Mỗi dân tộc trên đất nước đều có những điểm thu hút khác nhau, nhưng hầu hết sự khác biệt đều đến từ văn hóa. Đối với người dân tộc Kháng, bản sắc văn hóa là niềm tự hào của họ.
Tỉnh Sơn La là nơi có rất nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong đó có một dân tộc mà được biết đến với cách gọi: dân tộc Kháng. Đồng bào dân tộc Kháng còn có các tên gọi khác là Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đôn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Ái, Xá Bung, Quảng Lâm. Họ cư trú chủ yếu ở các huyện Mường La, Thuận Châu và Quỳnh Nhai. Riêng ở huyện Quỳnh Nhai. Cộng đồng dân tộc Kháng, theo ước tính, có gần 4.000 người, chiếm khoảng 10% dân số. Cộng đồng dân tộc Kháng thường sống thành bản dọc các dòng sông, khe suối, thung lũng hoặc các sườn đồi tại khu vực xã Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Khay, Cà Nàng, Mường Giôn.
Ngoài dân tộc Kháng, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn có 12 dân tộc anh em sinh sống. Nhưng đồng bào dân tộc Kháng đặc biệt có nhiều nét văn hóa độc đáo từ ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực đến làn điệu dân ca, dân vũ…
Tuy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Kháng độc đáo nhưng cùng với dòng chảy thời gian, một số giá trị truyền thống đang dần mai một. Để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, huyện Quỳnh Nhai đã thành lập Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Kháng tại xã Chiềng Ơn với 20 thành viên. Trong thời gian này, các thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào truyền dạy tiếng Kháng, hướng dẫn cách may quần áo, cách nấu những món ăn truyền thống dân tộc Kháng cho con em….
Qua các hoạt động đó, người Kháng đặc biệt là thanh thiếu niên dân tộc Kháng có thể hiểu hơn và tiếp thêm niềm tự hào hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Điều này đã góp phần làm cho các giá trị truyền thống không dân tộc mình không bị mai một.
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Kháng tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, Bà Lò Thị Phấu (80 tuổi), có chia sẻ về những bản sắc độc đáo của người dân tộc Kháng. Trong đó, bà nhấn mạnh về các làn điệu múa hát cổ, trang phục truyền thống, ẩm thực trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là điệu múa tăng bu.

Tăng bu được biết đến như là điệu múa truyền thống ngàn đời của người dân tộc Kháng. Điệu múa này là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Kháng trong các dịp lễ, Tết. Nội dung của điệu múa là để mô phỏng lại động tác chọc lỗ tra hạt trong lao động sản xuất của người dân tộc Kháng. Khi múa điệu tăng bu, mọi người sẽ đứng nối nhau xếp thành vòng tròn lớn, mỗi người cầm một cây tăng bu. Cây tăng bu được làm bằng một đoạn thân cây nứa, có đường kính thân khoảng từ 4 – 6 cm, dài khoảng từ 1,4 m – 1,6 m tùy mỗi người. Trong khi biểu diễn, những vũ công của điệu múa tăng bu sẽ vỗ mạnh cây tăng bu xuống sàn tạo nên âm thanh rộn ràng và bước thành những bước múa uyển chuyển. Cứ cách vài vòng, người múa lại xoay ngược lại di chuyển vòng quanh vài lần. Và cứ như thế múa tăng bu tạo cho người tham gia cùng người xem cảm giác hạnh phúc, đầm ấm.
Không chỉ có các làn điệu múa hát cổ, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Kháng còn được thể hiện qua trang phục truyền thống, rõ nhất là trang phục của người phụ nữ. Phụ nữ dân tộc Kháng có trang phục gần giống như váy áo cóm của người dân tộc Thái đen. Tuy nhiên, trên chiếc áo là những hoa văn, họa tiết mang bản sắc riêng của dân tộc Kháng cổ. Trên ngực áo của người Kháng được ghép mỗi bên một mảnh vải đỏ nhỏ. Nó có hình thang cân gọi là “son sửa” dài khoảng 15cm, trên đó đính đồng tiền kim loại. Đồng tiền này mang ý nghĩa may mắn, xua đuổi tà ma. Trên váy còn có yến che váy, có hình chữ nhật, rộng khoảng 45cm, dài khoảng 90 cm được trang trí bằng các nẹp vải màu xanh, đỏ, vàng và tua ren để thêm phần thu hút.
Bà Điêu Thị Nhất (phòng văn hóa huyện Quỳnh Nhai) cho biết: Huyện Quỳnh Nhai xác định gắn công tác gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Kháng với hoạt động của các tuần văn hóa, thể thao và du lịch. Các làn điệu múa hát cổ, tiệm trưng bày và giới thiệu trang phục truyền thống, các tổ chức thi ẩm thực dân tộc…. sẽ được tổ chức hàng năm. Thông qua các hoạt động này, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Kháng sẽ đến gần hơn với cộng đồng và du khách.
Trong tương lai, huyện Quỳnh Nhai sẽ phối hợp với ngành Văn hóa tỉnh Sơn La, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La để tổ chức các lớp. Trong đó, các lớp sẽ truyền dạy chữ viết, nghệ thuật hát, múa, nhạc cụ, nghề đan lát truyền thống… Đồng thời, các làn điệu múa hát cổ sẽ thường được đưa vào các cuộc thi, liên hoan văn hóa – văn nghệ để giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Kháng.
Trang Trần
Discussion about this post