Nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người dân Bắc Bộ xưa gắn liền với những tích chèo cổ mà hiện nay nó đang được diễn lại theo hướng cải biến tương đối nhiều.
Nguồn gốc nghệ thuật chèo
Là nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam, theo ghi nhận chèo bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Đinh vào thế kỷ 10 và phát triển đến tận ngày nay. Không phát triển rộng khắp cả nước, chèo nổi tiếng và có vị thế hơn từ các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh trở ra. Người sáng lập ra nghệ thuật chèo là một vũ ca tài ba tên là Phạm Thị Trân. Bắt nguồn từ thời nhà Đinh với cố đô Hoa Lư nên nơi đây được xem là đất tổ của sân khấu chèo.

Nghệ thuật chèo thường được đánh giá là nghệ thuật sân khấu của hội hè. Có xuất phát điểm từ những âm nhạc và điệu múa dân gian, chèo dễ dàng đi vào lòng người dân cũng như phổ biến nhanh chóng bởi sự đa dạng về hình thức của nó cũng như những làn điệu, từ ngữ được sử dụng trong đó.
Những tích chèo nổi tiếng
Nhắc đến những tích chèo nổi tiếng nhất Việt Nam thì không thể không kể đến những tích chèo như Quan Âm Thị Kính, Súy Vân giả dại, Trinh Nguyên, Lưu Bình Dương Lễ, Ơn Trả Nghĩa Đền,…Điểm chung của các tích chèo này đều ca ngợi những điều tốt đẹp trong cuộc sống, những đạo lý được lưu truyền muôn đời như “uống nước nhớ nguồn”, ca tụng những người anh hùng, hay đơn giản là miêu tả cuộc sống nông thôn bình dị.

Vì được lấy chất liệu từ cuộc sống thường ngày, lấy từ các tác phẩm văn học dân gian, làn điệu chèo thường có sức sống lâu bền, và sự phổ biến nhanh chóng trong cộng đồng dân cư. Những làn điệu chèo được người dân lưu truyền từ đời này sang đời khác, giữ gìn và bảo vệ cái hay, cái nguyên bản của nó.
Các vùng chèo nổi tiếng
Chèo lại được chia theo các vùng với những đặc điểm riêng. 4 chiếng chèo nổi tiếng ở Châu thổ Đồng bằng sông Hồng xưa là Đông, Đoài, Nam, Bắc và trung tâm chèo Thăng Long.
Trong 4 chiếng chèo trên nổi tiếng và phát triển mạnh nhất là chiếng chèo phía Nam bao gồm Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Do có sự phát triển mạnh mẽ của quan họ Bắc Ninh nên chiếng chèo phía Bắc có sự phát triển kém nhất trong 4 chiếng chèo.

Nếu Ninh Bình được nhắc đến là nơi khởi nguồn của chèo thì Thái Bình được mệnh danh là cái nôi của những làn điệu chèo. Hội tụ nhiều phong tục truyền thống của làng quê Việt Nam, đó là nguồn chất liệu dồi dào để các nghệ nhân nơi đây sáng tác nên những tích chèo kinh điển. Làng chèo nổi tiếng nhất tại đây là làng chèo Khuốc với câu thơ nổi tiếng “Hỡi cô thắt dải lưng xanh – Có xem chèo Khuốc với anh thì về”. Những làng chèo nổi tiếng khác có thể kể đến như làng chèo Đặng, Quang Sán ở Nam Định và làng An Biên (Quảng Ninh),..

Là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của người dân chân nấm tay bùn, Chèo là một món ăn tinh thần không thể thiếu ở làng quê Bắc Bộ Việt . Sự duy trì và phát triển của nghệ thuật văn hóa cổ này cũng đang được chú trọng lưu giữ và phục dựng ở quê hương ra đời của nó.
Hải Yến
Discussion about this post