Biểu diễn nhạc cụ dân tộc không phải là loại hình mới mẻ gì tại Việt Nam nhưng với nước ngoài, đó là điểm “lạ mắt, lạ tai”.
Đầu năm 2019, Trung tâm Văn hóa Mandapa của Pháp đã tổ chức buổi biểu diễn “Hộ chiếu đến Việt Nam” trong chương trình phát động mùa văn hóa 2018 – 2019. Tham gia biểu diễn, nhóm nhạc Tiếng tơ đồng đã mang đến thủ đô Paris những tiết mục đặc sắc mang hơi thở cổ xưa của Việt Nam. Màn trình diễn của các nhạc cụ dân tộc được người dân Việt Nam cũng như người bản địa ủng hộ nhiệt tình. Cả căn phòng của Trung tâm chật cứng cùng với sự nhiệt tình ủng hộ bằng những tiếng vỗ tay không ngớt.
Sự kiện này không phải là sự kiện duy nhất đem những giá trị văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Trước đó, các buổi biểu diễn được diễn ra rất nhiều nơi như Nga, Đức, Hàn Quốc,… Dường như bất kể nơi nào có người Việt thì nơi đó, nhạc cụ dân tộc cũng như âm thanh của nó sẽ được vươn tới.
Nhạc cụ dân tộc được ra đời rất sớm. Lúc con người ý thức được nhu cầu về giải trí của mình, họ đã sáng tạo ra các nhạc cụ. Bắt đầu từ những vật rất tầm thường như đá, bằng cách vô cùng đơn giản là gõ chúng để tạo ra âm thanh, dần dần chúng ta có được một sản phẩm hoàn thiện như đàn đá ngày nay. Và tới thời điểm hiện nay, nhạc cụ này trở thành các nhạc cụ dân tộc.
Biểu diễn nhạc cụ cũng ra đời tương ứng với sự ra đời của nhạc dân tộc. Ngay khi có nhạc cụ, con người dùng chúng để mưu sinh, để giải trí, để bày tỏ tâm trạng và thậm chí dùng như một bức “di thư” cho thế hệ sau.

Đối với hầu hết những người dân Việt sống ở nước ngoài, nỗi nhớ quê hương luôn chiếm một phần trong con người. Và những buổi biểu diễn chính là một phần khơi dậy được những tình cảm về quê hương trong họ. Thông qua việc tái hiện những nét cổ xưa trên sân khấu, những con người xa quê hồi tưởng lại về quê hương.
Đưa các nhạc cụ dân tộc ra nước ngoài cũng là một cách quảng bá văn hóa cho hình ảnh đất nước. Mọi người luôn có “hứng thú” với sự độc đáo, mới mẻ. Nhạc cụ dân tộc dù có quá quen với người trong nước nhưng với người nước ngoài thì đó là thứ khơi gợi để đi tìm hiểu về thế giới bên ngoài.
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc là một phần trong phát triển văn hóa, đưa văn hóa nước nhà ra khỏi phạm vi biên giới. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hóa tại nước ngoài, việc bảo vệ được sự “tinh khiết” của nghệ thuật dân tộc cũng là vấn đề mà mọi người nên suy nghĩ.